Hohner Chromonica 270 – Chuyện về người đẹp không tuổi – Nguyễn Hào

Harmonica Hohner Chromonica 270 – Chuyện về người đẹp không tuổi

Gọi là người đẹp không tuổi không phải vì em đẹp nghiêng nước nghiêng thành đến quên cả tuổi tác, mà là vì xác định chính xác tuổi của em cũng khó như hái sao trên trời (mặc dù đúng là em đẹp thật) 
Có một sự thật vừa phũ vừa buồn cười, đó là xác định tuổi của Harmonica đã khó, xác định giá trị của một cây kèn còn khó hơn. Không như xe cổ hay các vật phẩm có giá trị sưu tập, rất ít tài liệu viết về Harmonica và nếu có thì cái số hiếm hoi này chủ yếu viết bằng tiếng Đức. Có hai nguyên nhân chính, một là Harmonica thật sự không phải là của hiếm. Hohner đã từng kỷ niệm ngày xuất xưởng của cây kèn thứ một tỉ từ cách đây…1/4 thế kỷ, và từ đó đến nay chả ai đếm được họ đã cho ra thị trường bao nhiêu nữa. Lý do thứ hai khá tế nhị, đó là nếu như violin hay guitar mà có tuổi đời vài chục năm thì sẽ được đóng mác “vintage”, còn Harmonica thì chỉ đơn giản là thứ đã từng đút vào miệng người khác (kỳ thị nhau vỡi)
Bất chấp sự thật xấu xí và phũ phàng ấy, Harmonica vẫn là một thứ nhạc cụ tinh tế và được yêu thích, đến mức trước khi được giới nghệ sĩ quen miệng gọi là Harp, em còn từng có biệt danh là Aeolian (Harp hay Aeolian thì cũng đều là để nhấn mạnh mối liên quan đến Aeolian Harp, một loại nhạc cụ thuộc bộ dây khá đặc biệt, nó không được chơi bởi con người mà được chơi bởi thiên nhiên qua các làn gió. Tên loại nhạc cụ này được đặc theo tên của vị thần gió trong thần thoại Hy Lạp cổ đại – thần Aeolus.)
Aeolian Harp

Aeolian Harp

Và có một cái tên đẹp như vậy, một cây Harmonica tất nhiên cũng có thể được gọi là một người đẹp, đặc biệt là với một cây Hohner 270, hay còn gọi là Super Chromatic, một cây kèn không chỉ già trâu, trẻ nghé mà ngay cả thanh niên nghiêm túc cũng yêu thích. Mà một khi đã yêu thì chắc chắn ai cũng muốn biết hết mọi thứ về người yêu mình, kể cả tuổi tác (các ông đừng có chối, miệng thì bảo đã yêu tuổi tác không thành vấn đề mà sao suốt ngày cứ lăn tăn chuyện lái máy bay)
Lịch sử của cây 270 khá là lằng nhằng, liên quan trước hết là đến người anh em Hohner 260. Năm 1910, Hohner cho ra đời mẫu Chromatic hoàn chỉnh đầu tiên có 10 lỗ, đặt tên là Chromatic Harmonica, dựa trên cấu trúc note (Richter tuning) của diatonic và đặt tên là Hohner Model 260 (sau này Hohner chuyển từ cấu trúc Richter tuning sang solo tuning và nó trở thành cấu trúc cơ bản nhất của chromatic.) Mẫu 260 a.k.a Chomonika I vẫn được sản xuất cho đến năm 2013 thì ngừng hẳn. Mẫu 270 đầu tiên với 12 lỗ, được đặt tên 260 ½ (vì có thêm nửa quãng tám)xuất hiện vào năm 1925 và trở thành một trong những cây kèn bán chạy nhất của Hohner bên cạnh cây Marine Band 1896 (cho đến nay Marine Band vẫn được xem là một trong những cây diatonic tốt nhất từng xuất hiện.)

harmonica hohner super 270

Một cây Super Chromonica thập niên 30. Sau 80 năm, nhìn chung thiết kế không có gì thay đổi

Để xác định tuổi của một cây Chromonica 270, có rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên những yếu tố này sẽ ngày một kém chuẩn xác hơn khi độ nguyên bản của cây kèn ngày càng bị giảm sút đi (Nghĩa là mọi hành động sửa chữa, phục hồi sẽ ngày càng trẻ hóa cây kèn và khó xác định được tuổi thật.)
Một trong những yếu tố huyền thoại nhất mà các Meister vẫn thường rỉ tai nhau, đó là ngôi sao David trên dấu trademark của cây kèn. Nếu giữa vòng tròn của dấu trademark có một ngôi sao 6 cánh, cây kèn đó chắc chắn được sản xuất trong giai đoạn 1925-1937. Từ năm 1938, vì vấn đề người Do Thái, chính quyền Đức yêu cầu Hohner bỏ ngôi sao David đi. Để đáp trả lại, họ đã thêm vào tấm che lưỡi gà của kèn khá nhiều ngôi sao 6 cánh tí hon (12 ngôi sao cho tấm che trên và 16 ngôi sao cho tấm che dưới.) Điều đặc biệt là phiên bản Đức Chromonika II hoàn toàn không có những ngôi sao này, chúng chỉ có mặt ở phiên bản xuất khẩu Super Chromonica 270.

dau trade mark

Dấu trademark sao 6 cánh huyền thoại
Yếu tố thứ hai dùng để xác định tuổi kèn (trong trường hợp kèn vẫn nguyên bản) là bao/hộp đựng. Sau 9 thập kỷ Hohner đã thay đổi mẫu mã cho sản phẩm khá nhiều. Có thể điểm danh một vài trường hợp sau:
1925-1950s: Hộp đỏ đen đậm chất dân chơi, có chốt khóa, trong lót nhung tím mộng mơ và một dải màu cờ Pháp tượng trưng cho giải Gran Prix . Lược kèn gỗ họa tiết vân cẩm thạch (loại họa tiết này phổ biến cho cả mẫu 64 Chromonica). Nếu là trước 1930, kèn sẽ có tên là Chromonica 260 ½ . Giai đoạn này kèn sử dụng van giữ gió chất liệu da. Những mẫu kèn đầu thập niên 20 còn sử dụng lò xo ngoài để giữ thanh trượt.

 

harmonica hohner super 270-1

harmonica hohner super 270-2

Tím mộng cmn mơ với cờ Pháp nhé 
Giữa thập niên 50: Bao vinyl họa tiết da cá sấu màu xanh lá cây, lược kèn gỗ màu nâu đen trơn (màu cát ướt), không có họa tiết. Van giữ gió chuyển sang dùng chất liệu plastic.

harmonica hohner super 270-3

1965: Bao da có dây rút. Loại này về sau chỉ dành cho mẫu Chordomonica. Cũng trong giai đoạn này Hohner bắt đầu sử dụng lược kèn bằng nhựa ABS, nhưng không áp dụng cho Super Chromonica hay Marine Band. Các mẫu kèn chromatic khác (trừ Chrometta) vẫn dùng bao họa tiết da cá sấu (Đen cho 260, xanh cho 270 và nâu đỏ cho 280).

harmonica hohner super 270-4
1980s-1990s: Bao vinyl trơn, không có họa tiết da ca sấu. Ngày nay chỉ còn Hohner Echo và Chrometta sử dụng loại bao này.

harmonica hohner super 270-5

Mẫu thập niên 80, tuy sinh sau đẻ muộn nhưng thực tế lại khá hiếm gặp
1990s cho đến ngày nay: Hộp nhựa cứng màu xanh, bên trong bọc nhung đỏ, vẫn trung thành với lược kèn gỗ như thuở ban đầu

harmonica hohner super 270-6

Giang hồ đồn đại rằng sở dĩ Hohner không áp dụng lược nhựa ABS cho Super Chromonica và Marine Band 1896 là vì hai chữ TRUYỀN THỐNG. Ngoài ra còn có truyền thuyết kể rằng những cây kèn làm từ trước thập niên 50 chất lượng tốt hơn hẳn so với kèn sản xuất sau này. Cái này không biết có chuẩn hay không nhưng từ các Meister khác có kể rằng thỉnh thoảng họ vẫn bắt gặp những cây kèn làm từ 1920s-1930s với chất lượng âm thanh không chê vào đâu được.

harmonica hohner super 270-7

Từ những dấu hiệu nhận biết trên, nếu cây 270 của mình vẫn còn zin 100% thì em cũng phải khoảng 50-60 tuổi rồi. Mặc dù từ trước đến nay vẫn có ước nguyện được lái máy bay nhưng chát chúa cỡ này thì hơi vượt quá sức tưởng tượng.
Cho nên sau này, mỗi lần ngắm nghía hay đặt cây kèn lên môi, mình lại tưởng tượng đang được ôm hôn một người phụ nữ đẹp còn lớn tuổi hơn cả phụ huynh nhà mình
Bài viết của tác giả Nguyễn Hào

Trả lời